SILICON VALLEY - THUNG LŨNG
ĐIỆN TỬ
Hồi năm 1971, khi viết hàng
loạt bài cho tờ Electric News, ký giả Don Hoefler đã dùng
tên gọi "Silicon Valley" để nói về một vùng thung lũng rộng
lớn toạ lạc tại miền bắc tiểu bang California.
Thung lũng đó bao gồm nhiều thành phố lớn nhỏ ở phía
nam vùng vịnh San Francisco, một nơi tập trung đông đảo
những công ty chuyên phát minh, canh tân và sản
xuất silicon chip, semiconductor, chuyên sản
xuất những linh kiện-nhu liệu liên quan đến điện tử-điện toán,
v.v... áp dụng vào đủ mọi lãnh vực công nghệ. Các công ty
này đang trên đà khuếch trương và phát triển nhanh chóng.
Lúc đó, cách đặt và gọi tên mà Don Hoefler dùng chỉ là một
trong những kỹ thuật khéo léo nhằm lôi cuốn sự chú ý của độc
giả mà hầu hết là các nhà tư bản, các kỹ nghệ gia và đặc
biệt là giới đầu tư. Thế rồi, chỉ vài năm sau, cùng
với sự cải tiến hoặc khai sinh, phát triển và mở mang của
những công ty high-tech trong toàn vùng, cái tên
Silicon Valley đã nhanh
chóng trở thành thông dụng. Ngày nay, tên gọi Silicon Valley
được dùng một cách phổ thông và rộng rãi với hàm ý để
chỉ một vùng thung lũng đặc thù, nơi mang nền móng khởi
đầu doanh nghiệp rồi sau đó trở nên căn
cứ bản doanh của những công ty high-tech hàng đầu thế giới
liên quan đến kỹ nghệ điện tử-điện toán, mạng lưới
truy cập-vi tính, các dịch vụ thương mại-quảng bá "dotcom",
v.v...
Ở những ngày xa xưa, khi những trang
trại canh tác cây trái, những nhà máy đóng hộp nông phẩm và
thịt cá, những cơ xưởng làm rượu nho, những toa xe lửa vận
chuyển còn là phương tiện và là nguồn lợi tức chính của cư
dân, người ta gọi thung lũng này là Valley of Heart' s
Delight. Từ khi Silicon Valley ra đời, Valley of Heart' s
Delight đành phải nhường bước, dần dần lùi vào quá khứ. Ngày
nay cư dân của Silicon Valley nhắc lại như một kỷ niệm,
chẳng mấy khi dùng đến tên gọi cũ, ngoại trừ sách báo và văn
chương.
Bắt đầu từ phía nam vịnh San
Francisco, Silicon Valley được bao bọc bởi Santa
Cruz Mountain ở hướng tây, Diablo Mountain Range ở hướng
đông và đông-nam. Silicon Valley bao gồm 29 thành phố lớn
nhỏ liên quan đến 3 quận hạt như Palo Alto, San Mateo,
Mountain View, Cupertino, Santa Clara, Sunnyvale, Milpitas,
Fremont, Campbell,
San José,
v.v... Silicon Valley có khoảng 2.43 triệu dân cư, với 1.5
triệu nhân lực mà hơn 25% trong số này làm việc cho những
công ty high-tech.
Bản đồ về trụ sở của một số
công ty high-tech tiêu biểu tại Silicon Valley
Người Việt quen gọi Silicon
Valley là Thung lũng Điện tử. Khách phương xa thường
hiểu quận hạt Santa Clara hoặc thung lũng Santa Clara
mà San Jose toạ lạc ở đó, là Thung lũng Điện tử. Ngày nay,
Silicon Valley xứng đáng được mệnh danh là trung tâm
high-tech hàng đầu của thế giới. Tại đây, không mấy
khó khăn, du khách có thể tìm gặp bản doanh của những tên
tuổi khổng lồ trong kỹ nghệ điện tử như
HP,
Intel,
Sun,
Google,
Yahoo!,
eBay,
Cisco,
Apple Computers,
Adobe, v.v... Như vậy, chẳng ai lấy làm lạ khi
biết rằng hầu hết những cựu sinh viên trường Võ Bị Đà Lạt cư
ngụ tại Silicon Valley và những người phối ngẫu của họ đều
làm việc hoặc ít nhất cũng có thân nhân làm việc cho một
trong những công ty lớn nhỏ liên quan đến lãnh vực high-tech
tại địa phương.
Bản doanh của Intel
Bản doanh của eBay
Bản doanh của Adobe
Bản doanh của Yahoo!
THÀNH PHỐ SAN JOSÉ - THỦ ĐÔ
CỦA THUNG LŨNG ĐIỆN TỬ
Hàng ngàn năm về trước, khi mà
người da trắng, người da đen và người da vàng chưa từng đặt
chân đến thung lũng này, nơi đây đã có những bộ tộc người da
đỏ Ohlone sinh sống. Khi đoàn quân viễn chinh Tây Ban Nha và
những người thám hiểm, những nhà truyền giáo từ hướng nam và
đông-nam tiến dần lên phương bắc, người da đỏ bị lấn chiếm
lãnh thổ, chịu phân tán hoặc co cụm, rồi bị đồng hoá. Những
người Tây Ban Nha sùng đạo Thiên Chúa đã đặt tên cho miền
đất nằm bên
giòng sông
Guadalupe này là El Pueblo de San
José de Guadalupe.
Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha,
San José có nghĩa là Thánh Giuse, một trong những vị thánh cả của
đạo Công giáo. Như vậy, City of San Jose, official name của
San Jose có nghĩa là Thành Phố của Thánh Giuse. San José
được hình thành như một thị trấn từ năm 1777 và là thị trấn
đầu tiên của thuộc địa Tây Ban Nha thuộc miền Nueva
California (còn được gọi là Alta California). San Jose cách Sacramento 120
dậm về hướng tây-nam, cách San
Francisco 50 dậm về
hướng nam và cách Los
Angeles 390 dậm về
hướng bắc. Khởi thuỷ, San José chỉ chuyên về nông nghiệp và
chăn nuôi, được sử dụng như một hậu phương sung túc, cung
cấp lương thực và ngựa cho những đạo quân viễn chinh Tây Ban
Nha trấn đóng tại San Francisco và Monterey. Khi Mễ Tây Cơ
tuyên bố tự trị, tách rời khỏi chính quốc Tây Ban Nha, Nueva
California trong đó có San José đều còn thuộc về lãnh thổ
của Mễ Tây Cơ. Do xuất xứ từ tiếng Tây Ban Nha, San José có
thể được viết với dấu sắc là San José
hoặc không có dấu là San Jose. Cho dù là được viết
bằng cách nào, người ta vẫn giữ nguyên lối phát âm của tiếng
Tây Ban Nha, nghĩa là tương tự như âm ngữ "saen hô-dê" trong
tiếng Việt.
Sau khi California được công
nhận là tiểu bang thứ 31 của Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 3 năm
1850, San José là một trong những thành phố được thành lập đầu
tiên, cũng đồng thời được chọn làm thủ phủ tiên khởi của
tiểu bang. Lúc bấy giờ Peter Burnett được chỉ định làm thống
đốc tiểu bang và Josiah Belden được chọn làm thị trưởng
thành phố. San Jose từng có một quá khứ vàng son, là thành
phố bên bờ cực tây của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được điện khí
hoá trước tiên. J. J. Owen, người sáng lập và xuất bản tờ
San Jose Mercury News đã xây dựng Electric
Light Tower
(1881-1915) cao 237 ft. toạ lạc trên đường Santa Clara và
đường Market. Được sự đồng tình và trợ giúp đắc lực của cư
dân, J. J. Owen có ý định dùng những bóng đèn của ngọn tháp
để soi sáng cho khu vực trung tâm thành phố vào ban đêm.
Thực ra, mức độ toả sáng của những bóng đèn còn rất sơ khai thuở đó không
đáng kể và đã không đem lại hiệu quả như người ta mong muốn. Tuy
vậy, lúc bấy giờ, hiển nhiên ngọn tháp đã trở thành một thứ
national landmark của Hoa Kỳ bên bờ cực tây. Những trận
giông bão dữ dội của mùa đông 1915 đã làm hư hại và quật ngã
Electric Light Tower. Ngày nay, người ta không còn tìm thấy
một dấu tích gì tại nơi mà ngọn tháp đã trụ vững suốt 34 năm. Cư
dân San Jose thường cho rằng, sau khi thăm viếng San Jose
hồi năm 1883, Alexandre Gustave Eiffel đã dùng sáng kiến, mô
hình và ý tưởng của Electric Light Tower tại nơi đây để áp
dụng, thiết kế và xây dựng nên Eiffel Tower tại Paris vào
năm 1889.
Downtown San Jose với
Electric Light Tower hồi năm 1885
Mặc dù được chú ý và có nhiều
lợi thế lúc ban đầu, sau hơn 150 năm theo đuổi nghề trồng
trọt, sản xuất trái cây và thực phẩm, San Jose phát triển
chậm chạp, dần dần bị quên lãng. So với San
Francisco và Oakland,
hai thành phố hải cảng phát triển nhanh chóng, thay đổi hằng
ngày dựa vào vận chuyển, giao dịch, thương mại và ngân hàng,
San Jose cũ kỹ, bảo thủ và chậm tiến chỉ còn lại cái hào
quang càng ngày càng nhạt nhoà của quá khứ.
Thành phố San José
hồi năm 1875
Thành phố San José ngày nay
Ngoài nghề trồng trọt, đã có
lúc cư dân San José sinh sống bằng nghề chăn nuôi, đóng hộp
nông phẩm - trái cây và sản xuất rượu nho. Người ta cũng
khai thác quặng mỏ thuỷ ngân (mercury) tại vùng thung lũng
New Almaden (ngày nay được gọi là Almaden Valley). Điều đó phần
nào cắt nghĩa về cái tên của tờ nhật báo lâu năm và lớn nhất
của Thung lũng Điện tử - tờ San
Jose Mercury News, cũng cắt
nghĩa cái tên Quicksilver (một tên gọi khác của thuỷ ngân) mà
nhiều công ty, hãng xưởng, hội đoàn, v.v... tại địa phương
sử dụng để đặt tên cho mình.
San Jose có khí hậu tương đối
ôn hoà. Tháng giêng được kể là tháng lạnh nhất trong năm với
nhiệt độ từ 42 °F (6 °C) đến 59 °F (15 °C). Tháng 7 là tháng
nóng nhất với nhiệt độ trung bình từ 58 °F (14 °C) đến 84 °F
(29 °C). Tuy vậy, hàng năm, San Jose cũng phải chịu đựng vài đêm
vào mùa đông với nhiệt độ băng giá, và vài ngày vào mùa hè
với nhiệt độ lên đến trên 100 °F (38 °C). Nhiệt độ thấp kỷ
lục từ trước đến nay là 17 °F (-8.3 °C) được ghi nhận vào
ngày 9 tháng giêng năm 1920. Nhiệt độ cao kỷ lục là 109 °F
(42.8 °C) được ghi nhận vào ngày 14 tháng 6 năm 2000. Dù sao,
du khách đến thăm San Jose vào những ngày 4, 5, 6 tháng 7
năm nay vẫn ít có rủi ro phải đương đầu với sức nóng trên
100 °F như nhiều vùng tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
![]()
Cờ, niêm ấn và huy hiệu của
thành phố San José
Bản đồ territory của thành
phố San Jose
San José được xếp hạng 10
trong số những thành phố rộng lớn nhất nước Mỹ. Đứng sau Los
Angeles và San Diego, San José còn là thành phố rộng lớn thứ
ba của tiểu bang California. Nếu phải tách riêng một mình, một
số điạ hạt của San Jose có thừa khả năng về lãnh thổ, cư dân
và năng lực để được xem là thành phố như
Cambrian Park,
Willow Glen, v.v...
Từ năm 2002, San Jose được tổ chức Morgan
Quitno Awards liệt
kê là thành phố an lành - hiền hoà nhất, trong số 32 thành
phố lớn hàng đầu nước Mỹ có tỷ lệ dân số cao hơn 500.000 người.
Ngày nay, San Jose có xấp xỉ 1 triệu cư dân mà khoảng 1/10
trong số đó là người Mỹ gốc Việt.
THUNG LŨNG ĐIỆN TỬ - THUNG
LŨNG HOA VÀNG
Vài tuần lễ trước khi chính
phủ Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng Việt cộng, ngay từ cuối
tháng 3 năm 1975, những người Việt tỵ nạn cộng sản đầu tiên đã đến được
phi trường Oakland-California qua chương trình Operation
Babylift trên vài
chuyến bay DC-8 cargo hoặc 727 với hãng hàng không tư nhân
World Airways của Ed Daly. Hầu hết họ được chuyển đến một
trại tỵ nạn sơ khởi và nhỏ bé tại miền bắc California, đó là khu
tạm cư của Christian Church tại Los Gatos. Thực sự, vào lúc
bấy giờ, những trại tạm cư như kiểu căn cứ Pendleton của
Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ ở miền nam California vẫn chưa thành
hình. Chính phủ Mỹ bị nhiều bất ngờ vì việc đầu hàng quá
nhanh chóng của chính phủ Dương Văn Minh. Người Mỹ còn ù lì
và chậm chạp trong việc thực hiện những kế hoạch giải cứu và
cung cấp phương tiện của chính phủ để thực thi những kế
hoạch này. Bác sĩ
Nguyễn Tôn
Hoàn, một chính trị
gia không thành công của Việt Nam Cộng Hoà, đang sống lưu
vong tại Mountain View đã lên tiếng, góp phần thúc đẩy các
lãnh tụ Mỹ nhanh chóng tiến hành việc di tản những người bạn
cũ của họ, những kẻ sẽ phải đối diện với hiểm hoạ về sự trả
thù tàn bạo một khi rơi vào tay cộng sản.
Ký giả Dennis Rockstroth của
tờ San Jose Mercury News kể lại rằng, khi ông đến thăm trại
tỵ nạn Christian Church, 154 người vừa mới tới mà đa số là
trẻ em từ các cô nhi viện cùng với một vài cô giáo, cũng có
một số viên chức cao cấp của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà,
trong đó có cựu Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngọc, cựu Dân
Biểu Ngô Trọng Hiếu... Những ngày sau đó, Tổng Thống Gerald
Ford tỏ ra mong muốn tiếp nhận nhiều người Việt và chính phủ
liên bang Hoa Kỳ cũng có một kế hoạch nhằm trải đều họ ra
khắp nước Mỹ chứ không có ý tập trung vào một hai tiểu bang,
để mọi nơi có thể cùng san sẻ trách nhiệm cũng như gánh nặng
về các dịch vụ cứu trợ và phúc lợi xã hội. Những người Việt
mất nước, mất nhà trong tình cảnh ly tán, rối ren và đau khổ
lại một lần nữa bị làm cho tan tác.
Trẻ em mồ côi được di tản
trên một chiếc DC-8 dùng để chở gạo của World Airways
Thị Trưởng San Jose
(1971-1975) Norman
Y. Mineta, một
người Mỹ gốc Nhật tiên đoán rằng, về sau, cho dù là bị dời
đổi đi đến đâu, những người Việt tỵ nạn cộng sản cũng sẽ trở lại
vùng đất này vì tại đây họ luôn tìm thấy thời tiết dễ chịu,
gần giống như quê hương mình, và hơn nữa, những công ty điện
tử mới toanh với vô số
việc làm, đang trên đà phát triển mạnh mẽ rất cần đến nhân
công. Vài năm sau, những điều Norman Mineta suy đoán đều đúng
cả, chỉ cần thêm vào đó một yếu tố quan trọng, đó là giá cả
đất đai, nhà cửa và sinh hoạt tại Thung lũng Điện tử đều rất
thấp so với những nơi khác. Lúc bấy giờ, downtown San Jose
gồm toàn những dãy phố cũ kỹ, hoang tàn, vắng vẻ và buồn bã.
Nhiều cửa tiệm bị bỏ phế, không người sử dụng. Người Việt
mất quê hương tỏ ra hoan hỉ, nhận lấy những món mà người bản
xứ chê bỏ, để rồi tự mình xây dựng lại mọi thứ mà họ đã
không thể đem theo trong cuộc hành trình di tản. Tiếng lành
về những cơ hội tốt đối với công ăn việc làm, nhà cửa đất
đai, việc học hành và thương mại lan truyền xa, Thung lũng Điện
tử nhanh chóng trở thành thỏi nam châm thu hút người Việt
trên khắp nước Mỹ.
Những "người di tản buồn" đến
Silicon Valley đúng vào cái lúc mà các công ty high-tech chuyển
mình phát triển mạnh mẽ. Những kẻ "mất hết chẳng còn gì" này
đã cung ứng cho kỹ nghệ trong vùng một đội ngũ nhân lực
siêng năng, thông minh, khéo léo và cần cù. Những bước tiến
nhảy vọt vô tiền khoáng hậu trong ngành điện tử-điện toán ở các thập
niên 80-90 làm ảnh hưởng đến công nghiệp toàn thế giới có sự
góp phần đáng kể của những người Việt lưu vong thuộc thế hệ
thứ nhất.
"Tôi có thể khẳng định rằng
người Việt đến Silicon Valley đã làm biến đổi cộng đồng đa
văn hoá tại đây, khiến cho mọi thứ đều trở nên phong phú hơn,
từ sức mạnh kinh tế đến tiêu chuẩn giáo dục, từ nhà cửa đến
đất đai, từ sự an ninh đến niềm kiêu hãnh". Stephen
D. Barry, tác giả quyển "The
Dancing Lion", một giáo
sư có nhiều gắn bó với người Việt từ năm 1975, đã nhận xét
như vậy.
Ngã tư đường Santa Clara và
đường San Pedro tại downtown San José hồi năm 1975
Ngã tư đường Santa Clara và
đường San Pedro tại downtown San José năm 2008
Đường Market tại downtown
San José hồi năm 1975
Đường Market tại downtown
San José năm 2008
Hàng năm, sau nhiều cơn
mưa mùa đông, vào độ tháng 3 & tháng 4, những bụi hoa dại
mọc hoang, cao chừng 1ft 5 đến 5ft xen kẽ nhau chi chít tại
nhiều mảnh đất trống của thung lũng lại trổ hoa. Những chùm
hoa nhỏ màu vàng rực rỡ vươn cao trên lá xanh mơn mởn, tô
đậm thêm cảnh sắc mùa xuân tươi thắm. Người ta gọi đó là
giống cải dại hoặc cải trời. Đứng trên núi cao mà nhìn xuống
một vùng thung lũng rộng lớn, có thể thấy những thảm hoa
vàng khắp đó đây, lung linh trong nắng, lăn tăn trong gió. Loại
hoa dại này không những có mặt tại California mà còn mọc
hoang tại nhiều nơi khác trên nước Mỹ. Nhưng chỉ có những
Người Việt ly hương gặp nhau tại đây, cùng cảm khái trước
phong cảnh và sắc hoa ngoạn mục của xứ người, mới cùng đặt
tên cho vùng đất mới là thung lũng hoa vàng. Và
như thế, cho đến nay, chỉ tại miền bắc California mới có địa
danh Thung Lũng Hoa Vàng.
Hoa dại tại Thung Lũng Hoa
Vàng
Hoa vàng là chuyện của nhiều
năm trước. Ngày nay, San Jose không còn nhiều hoa vàng như
hồi thập niên 70. Sự phát triển dữ dội của kỹ nghệ điện tử
trong vùng đem lại công ăn việc làm và kinh tế phồn thịnh
đồng thời cũng làm cho dân số và nhu cầu nhà cửa tăng vọt.
Bây giờ, thung lũng hoa vàng chỉ còn vàng lưa thưa. Những
bãi đất trống phủ đầy hoa vàng mỗi độ xuân về càng ngày càng
trở nên hiếm hoi, mỗi ngày mỗi thu hẹp nhường chỗ cho nhà
mới, chung cư mới, hãng xưởng mới, cao ốc mới và đường xá
mới.
Hôm nay, cứ trong 10 cư
dân San Jose là có 1 người gốc Việt. Trong khi miền nam
California, nơi những thành phố nhỏ, có mật độ người Việt định
cư rất cao, thì San Jose lại là thành phố có đông người Việt
hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới ngoài nước Việt Nam. Không như
người Việt tại miền nam California, cư dân gốc Việt của San
Jose sinh sống tản mạn khắp thành phố, không tập trung đông
đảo vào hẳn một vùng chuyên biệt nào. Những khu thương mại
có tính cách hội tụ người Việt là "khu Lion" trên đường King
và đường Tully, "khu Grand Century" trên đường Story và đường
King, "khu Senter" trên đường Senter và đường Capitol. Ngay
tại trung tâm thành phố, người ta cũng thấy nhan nhản những
bảng hiệu thương mại bằng Việt ngữ. Ảnh hưởng của người Việt tại
San Jose từ khi công nghiệp high-tech chuyển mình cho đến
nay mỗi ngày lại càng thêm đậm nét.
HỘI VÕ BỊ BẮC CALI
Tại Silicon Valley, từ
1976-1977, một vài cựu sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt vượt
thoát hồi năm 1975 và một vài cựu sinh viên sĩ quan đang du
học Hoa Kỳ đã tự tìm lại được nhau. Chỉ có vài người, các
cựu sinh viên Đỗ Văn Chấn K21, Võ Kỳ Phong K24, Nguyễn Huệ
K25, Nguyễn Văn Phép K27, Nguyễn Thành Sang K28, Lê Thi K29,
v.v… đã sinh hoạt với nhau như một gia đình nhỏ, hết sức ấm
cúng và thân mật. Họ liên kết với nhau chặt chẽ và cùng nhau
thành lập một nhóm ái hữu giữa những người cùng xuất thân từ
một mái trường.
"Hồi đó anh em thân thiết lắm,
hầu như gặp nhau hằng ngày, hằng tuần. Nhu cầu của mỗi người
là cần trông thấy nhau, hỏi han, chỉ vẽ, nương tựa vào nhau...
Chúng tôi còn chạy sáng với nhau nữa. Hạnh phúc là đã tìm
lại được nhau. Công đầu phải được kể về anh Huệ K25, anh ta
rất tháo vát và chí tình...". Như đang buông thả tâm tư trở
về dĩ vãng, cựu sinh viên sĩ quan Đỗ Văn Chấn K21 (nhà văn
Đỗ Quốc Anh Thư) trả lời một cách chậm rãi nhưng sôi nổi khi
được hỏi về cung cách sinh hoạt của những ngày đầu tiên. Ông
cho biết thêm, vài cựu sinh viên của những khoá phụ cũng tìm đến
và tham gia, như cựu sinh viên sĩ quan Vũ Văn Lộc
thuộc K10 Cương Quyết (nhà văn Giao Chỉ). Được biết, một
thời gian ngắn sau đó, cựu sinh viên sĩ quan Đỗ Văn Chấn
K21 được đề cử làm Hội trưởng lâm thời của Hội Ái Hữu cựu
sinh viên sĩ quan trường Võ Bị.
Ngoài việc giữ gìn sinh hoạt
nội bộ một cách thường xuyên và gắn bó, mọi người còn luôn
lưu tâm chăm nom, săn sóc và hướng dẫn nhau trong công ăn
việc làm, học hành và đời sống mới tại xứ lạ quê người, cùng
ra sức tìm kiếm & nhắn tin đến các vị đồng môn & đồng khoá
khắp nơi về tiểu bang California nắng ấm - trợ cấp xã hội
dồi dào, về vùng thung lũng hiền hoà đầy dẫy cơ hội - tràn
trề hứa hẹn. Hội cũng ra sức giúp đỡ & bảo trợ cho các vị
đồng môn đã vượt thoát, đã đến được các trại tỵ nạn đông-nam
Á.
Trong chiều hướng ra sức tìm kiếm, đón
nhận và liên lạc giữa những người con cùng một trường Mẹ,
nối kết với những nhóm cựu sinh viên sĩ quan đang bắt đầu
tái hợp quần và những Hội Võ Bị đang thành hình khắp nơi,
đặc biệt là tại miền nam Calfornia, Hội
Võ Bị bắc California
gia tăng nhân số, phát triển nhanh chóng và dần dần đi vào
nề nếp.
Đại Hội Võ Bị hải ngoại lần đầu
tiên được chính thức triệu tập tại San Jose ngày 25 tháng 5
năm 1980. Hai năm sau, cũng tại đây, cũng vào tháng 5, Đại
Hội kỳ thứ nhì được triệu tập. Tại Đại Hội kỳ thứ nhì, các
tham dự viên & hội thảo viên đã đồng thuận trong việc tái
xuất bản đặc san Đa Hiệu, cơ quan ngôn luận chính thức của
tập thể cựu sinh viên sĩ quan. Đại Hội kỳ thứ tư hồi năm
1986 tại San Jose ra quyết định thay đổi danh xưng của Hội
Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan trở thành Hội Cựu Sinh Viên Sĩ
Quan. Cựu sinh viên sĩ quan Bùi Đình Đạm được tín nhiệm và
bầu cử vào chức vụ Chủ Tịch Hội.
Ngày 29 tháng 5 năm 1988, Đại
Hội kỳ thứ 5 tại San Jose biểu quyết nâng cấp Hội trở thành
Tổng Hội với danh xưng chính thức là Tổng Hội Cựu Sinh Viên
Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Danh xưng này vẫn
được duy trì từ ngày đó cho đến nay. Cựu sinh viên sĩ quan
Bùi Đình Đạm K1 được đề cử và uỷ thác trong nhiệm vụ Tổng
Hội trưởng tiên khởi.
Hình bìa và trang đầu của
Đa Hiệu số 8 phát hành năm 1986
Kỷ yếu hải ngoại của cựu
sinh viên sĩ quan được xuất bản hồi năm 1990
Đêm truy điệu & 30 năm tưởng
nhớ Trường Mẹ được thực hiện hồi cuối tháng 3 năm 2005 tại
San Jose
Ngoài những kỳ Đại Hội
kể trên, Hội Võ Bị bắc California cũng hân hạnh được trao
nhiệm vụ tổ chức Đại Hội kỳ thứ 6 vào tháng 5 năm 1990 và kỳ thứ
11 vào tháng 7 năm 1998. Tháng 7 năm nay,
Đại Hội cựu Sinh Viên
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam toàn cầu kỳ thứ 16 được
triệu tập tại San Jose. Hội Võ Bị địa phương một lần nữa lại
được hân hạnh và vinh dự tổ chức Đại Hội.
Từ tháng 12 năm 2007, Ban Chấp
Hành Hội nhiệm kỳ 2008-2010 (cựu sinh viên sĩ quan Lê Thi
K29 là Hội trưởng) đã phối hợp với Ban Chấp Hành Hội nhiệm
kỳ 2006-2008 (cựu sinh viên sĩ quan Nguyễn Minh Thu K28 là
Hội trưởng), với Hội đồng Đại diện Khoá (cựu sinh viên sĩ
quan Nguyễn Bảo Cường K13 là Chủ tịch - nhiệm kỳ 2006-2008,
cựu sinh viên sĩ quan Vũ Văn Hợi K24 là Chủ tịch - nhiệm kỳ
2008-2010) và cựu sinh viên sĩ quan Tổng Hội trưởng Võ Văn Đức K22
(một cư dân của San Jose) đã gấp rút thành lập một Ban Tổ
Chức để đảm đương nhiệm vụ tổ chức Đại Hội. Một buổi họp
khoáng đại gồm các cựu sinh viên sĩ quan thuộc Ban Chấp Hành
đương nhiệm, các cựu sinh viên sĩ quan các Ban Chấp Hành tiền
nhiệm, các cựu viên sĩ quan Đại diện các Khoá tại địa phương,
đã thành lập Ban Tổ Chức Đại Hội. Thành phần nhân lực của
Ban Tổ Chức Đại Hội kỳ thứ 16 được sự hưởng ứng và tham gia
đông đảo của nhiều người. Cựu sinh viên sĩ quan Nguyễn Khắc
Nhị Hùng K16 được mọi người đề cử và uỷ nhiệm làm Trưởng
Ban. Với sự cố vấn của các cựu sinh viên sĩ quan lão thành
như Nguyễn Văn Chấn K9, Nguyễn Công Luận K12... các Tiểu ban
thuộc Ban Tổ Chức được thành lập với thành phần nhân sự hùng
hậu có sự góp mặt của hầu hết các Khoá, của Đoàn Phụ Nữ Lâm
Viên, của Đoàn Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu tại địa phương.
Huy hiệu và trang mạng của
Đại Hội XVI do cựu sinh viên sĩ quan Lê Đình Trí K29 thiết
kế
Năm nay, Đại Hội kỳ thứ 16 còn đánh
dấu và kỷ niệm 60 năm thành lập trường Võ Bị (1948-2008).
Không phải kỳ Đại Hội nào cũng ngẫu nhiên trùng hợp vào một
dịp kỷ niệm lớn như vậy. Ý thức rõ điều này, các tiểu Ban
thuộc Ban Tổ Chức đang dốc tâm gắng sức, nỗ lực và ráo riết
hoạt động trong lãnh vực trách nhiệm của mình, đang âm thầm
hy sinh nhiều thời giờ & công sức và ngay cả tiền bạc cá
nhân để mong sao góp phần tổ chức Đại Hội thứ 16 thật quy mô,
hoàn hảo và thành công.
Tiểu Ban Tài Chánh đang có những hoạt
động sôi nổi nhằm tạo dựng ngân quỹ căn bản để tổ chức Đại
Hội. Những đóng góp tài chánh từ mọi thành viên thuộc đại
Gia đình Võ Bị toàn cầu đều được Thủ quỹ nhật tu và thông
báo rộng rãi qua diễn đàn yahoogroup. Người ta dễ dàng nhận thấy
tiểu Ban Truyền Thông đang vận dụng khả năng viễn thông hiện
đại của internet để quảng bá, thông tin, phổ cập... các diễn
tiến trong công tác tổ chức Đại Hội. Chỉ cần vào thăm trang
nhà
Đại Hội kỳ thứ 16 là
mọi người có thể ghi danh tham dự, tìm hiểu xem việc chuẩn
bị đã đi đến đâu, chương trình Đại Hội như thế nào, việc du
ngoạn sẽ ra sao, v.v... Các tiểu Ban khác như
Văn Kiện, Nghi Lễ, Quốc Quân Kỳ, Văn Nghệ, Tiếp Tân, Ẩm Thực,
Du Ngoạn, Trang Trí, Tiếp Đón... đều có những hoạt động âm
thầm hoặc tập dượt sôi nổi để chuẩn bị cho ngày trọng đại.
Để kỷ niệm 60 năm thành lập trường, Ban Tổ Chức còn quyết
định xây dựng tại Scottish Rite Center, nơi tổ chức Đại Hội,
một mô hình thật của cổng trường Võ Bị bằng vật liệu nhẹ để
các tham dự viên có dịp ôn lại dĩ vãng, thăm lại cổng trường
xưa. Chắc chắn, đây sẽ là cơ hội bằng vàng cho những ai muốn
có lại những tấm ảnh hoặc những đoạn film đứng bên cổng
trường năm nào.
Cổng Nam Quan Trường Võ Bị
(do một cựu sinh viên sĩ quan D30 sinh sống tại Việt Nam
chụp năm 2008)
Ngoài thời giờ bôn ba sinh kế
hằng ngày, mỗi người trong Ban Tổ Chức, từ ít đến nhiều, đều
phải hy sinh thời giờ riêng tư để góp công góp sức vào việc
chung. Với một thành phần đội ngũ tự nguyện và hoàn toàn
không phải là những nhà tổ chức chuyên nghiệp, dù có tài
cán đến đâu, dù có đông đảo như thế nào, Hội Võ Bị địa
phương và Ban Tổ Chức Đại Hội luôn cần đến sự cảm thông,
giúp đỡ, tham gia mau mắn của từng thành viên trong đại Gia
Đình Võ Bị khắp nơi. Đại Hội kỳ thứ 16 với chủ đề "Hướng Đến
Tương Lai" chắc chắn hứa hẹn nhiều sôi nổi & hào hứng ở nội
dung và đem lại hấp dẫn & khó quên về hình thức.
MỘT SỐ ĐỊA ĐIỂM THU HÚT DU
KHÁCH
San Jose không phải là một
thành phố du lịch, du khách không tìm thấy sự quyến rũ của
các kỳ quan như nhiều thành phố khác trên thế giới. Cho dù
phồn thịnh đến đâu, phát triển như thế nào, San Jose cũng
không thể có những toà building chọc trời, vì phi trường San
Jose từ xưa đã được xây dựng sát cạnh trung tâm thành phố và
luật lệ an toàn không lưu hạn chế tầm cao của các kiến trúc.
Tuy vậy, du khách vẫn có thể tìm thấy và bị say mê về những điều
mới lạ mà chỉ tại thủ đô của Thung Lũng Điện Tử mới có. Các
tham dự viên Đại Hội nếu đến từ phương xa, ngoài việc tham
dự các chương trình hội thảo là điều chính yếu, cũng không
nên bỏ phí cơ hội nhờ cậy bạn bè & anh chị em & đồng môn &
đồng khoá hoặc người thân tại địa phương giúp đỡ và hướng
dẫn mình thăm qua một vòng thung lũng hoa vàng.
Một vài địa điểm có hấp lực
mạnh đối với du khách là:
- The
Tech Museum of Innovation: toạ
lạc tại trung tâm thành phố: 201 South Market St., San Jose,
CA 95113. (408) 294-8324.
-
Children's
Discovery Museum: toạ
lạc tại trung tâm thành phố: 180 Woz Way, San Jose, CA
95110. 408-298-5437.
-
Guadalupe
River Park & Garden:
trải dài chừng 3 dậm từ River Park uốn lượn theo giòng
sông Guadalupe qua trung tâm thành phố San Jose đến Heritage
Rose Garden. Heritage Rose Garden thường được người Việt địa
phương gọi là Vườn Hồng, nơi ương trồng trên 3700 giống hoa
hồng khác nhau.
- Happy Hollow Park (người
Việt thường gọi là
Vườn Nhật):
1300 Senter Rd, San Jose, CA 95112. (408) 277-3000.
Trước khi đến thăm San
Jose, du khách có thể tự mình tìm hiểu sơ qua về tin tức,
hình ảnh, sinh hoạt, thời tiết, v.v... tại một số đài truyền
hình địa phương như:
2
, 4 , 5 , 11 .
Được biết, tiểu ban Du ngoạn thuộc
Ban Tổ chức Đại Hội kỳ thứ 16 đã xếp đặt một chương trình
nhỏ - đi và về trong ngày, nhằm đưa các tham dự viên đến
ngoạn cảnh tại thành phố San Francisco. Du khách sẽ được thăm
qua những địa điểm nổi tiếng như Golden Gate Bridge, Palace
of Fine Arts, Fisherman's Wharf, Twin Peaks, Union Square,
v.v... Đoàn Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu địa phương cũng dự định
tổ chức một chương trình du ngoạn ngắn ngày tại Yosemite
National Park, Hearst Castle.